VnTim™ ^-^ Di tích này ở 58 phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa. Tên gọi Văn Miếu có từ năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ II (1070) đời Lý Thánh Tông. Vua cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Tứ Phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Sau còn cho Hoàng thái tử đến học, vì thế có tên gọi là Thái học.
Khuê Văn Các. Ảnh: Vũ Hưng |
Năm Bính Thìn, niên hiệu Anh Võ Chiêu Thắng I (1076) lập nhà Quốc Tử Giám, một nhà trường mở rộng cho con em tầng lớp quí tộc đến học. Đây là một trường đại học đầu tiên của dân tộc. Vào đầu đời Trần (1253), đổi thành Quốc học viện. Đến đời nhà Lê (1483) đổi thành Thái Học đường cho tới đầu thế kỷ XIX, khi kinh đô chuyển vào Huế, nhà Nguyễn lập Quốc Tử Giám ở Huế nên nơi này lại mang tên Văn Miếu và tồn tại cho tới ngày nay.
Với việc thành lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nho giáo đã trở thành cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển, dù rằng lúc đó Nho giáo mới bắt đầu hưng thịnh ở Việt Nam.
Năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh IV (1075), Lý Nhân Tông cho tổ chức khoa thi Minh Kinh bác học đầu tiên và khoa thi Nho học tam trường. Nhà Lý đã tổ chức được 7 khoa thi.
Nhà Trần tổ chức được 19 khoa thi, đặc biệt từ khoa thi Thái học sinh thứ 3 (1247), triều đình định ra tên gọi cho 3 người đỗ cao nhất thuộc Đệ nhất giáp là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa.
Triều Hồ cũng rất coi trọng Nho học, Hồ Quý Ly đã dịch Tứ thư, Ngũ kinh sang Quốc âm (Nôm) để dạy vua và các hậu phi.
Năm 1404, Hồ Hán Thương xuống chiếu quy định cứ 3 năm thi Hội một lần, các giám sinh phải thi qua 4 kỳ. Sang thời Lê, Quốc Tử Giám mang tên Thái học viện. Nhà trường mở rộng, có qui mô học đường, có ký túc xá, lại là nơi trực tiếp in sách. Nhà Lê tổ chức được 30 khoa thi song chỉ từ khoa Tiến sĩ đầu tiên đời vua Lê Thái Tông năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo III (1442) trở đi thì cứ 6 năm tổ chức 1 kỳ thi. Đời vua Lê Thái Tông, chế độ học hành thi cử trở nên nền nếp, cứ 3 năm mở 1 khoa thi, những người đỗ đạt được triều đình tổ chức lễ “xướng danh”, ban trao bảng vàng, áo mũ… được vinh qui bái Tổ. Lê Thánh Tông, một ông vua có nhiều cống hiến cho đất nước, rất chú trọng việc đào tạo hiền tài. Năm 1484, vua đã cho khắc tên những người đỗ tiến sỹ lên bia đá để lưu lại trong lịch sử khoa cử của đất nước kể từ khoa thi năm 1442.
Đến khi nhà Mạc chiếm ngôi, trong thời gian trị vì, nhà Mạc cũng tổ chức được 22 khoa thi, hiện có 1 khoa được dựng bia tại Văn Miếu, đó là khoa thi năm 1529 đời vua Mạc Đăng Dung.
Đến đầu thời Nguyễn, vua Gia Long dời Quốc Tử Giám vào Huế, đồng thời chấm dứt các kỳ thi Hội, thi Đình ở Thăng Long.
Nhà bia Tiến Sĩ. Ảnh: tư liệu |
Ngoài giá trị lịch sử - văn hóa, Văn Miếu Hà Nội còn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, là công trình kiến trúc tiêu biểu của Nho giáo đã được xây dựng từ năm 1070 và trải qua nhiều triều đại cũng được trùng tu, sửa chữa nhiều vào các năm 1243, 1253, 1483, 1511; đến năm 1762 chúa Trịnh Doanh cho tu sửa lớn Quốc Tử Giám mà các sách chính sử đều đã ghi “… Cửa Đại Thành 3 gian 2 chái, lợp ngói bằng đồng. Đông Vũ và Tây Vũ mỗi dãy 7 gian, đằng sau có 1 cửa nhỏ 1 gian, điện Canh Phục 1 gian 2 chái… nhà bia 2 phía đông tây mỗi dãy 12 gian. Khoa để ván in 4 gian… nhà giảng dạy 2 dãy mỗi dãy 14 gian, phòng học của học sinh ở phía đông tây đều 3 dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người…”.
Các năm 1785, 1789 tiếp tục trùng tu và tới 1805 cho xây Khuê Văn Các (gác tượng trưng cho sao Khuê – sao Chủ về Văn học). Năm 1863 cho dựng lại 2 nhà bia đông tây, mỗi dãy 11 gian để che 82 tấm bia Tiến sĩ khỏi nắng mưa xói mòn.
Hiện trong Văn Miếu có 82 tấm bia Tiến sĩ được dựng từ năm 1484 đến năm 1780, trên bia ghi rõ quê quán, tên tuổi của 1.304 vị đỗ đại khoa.
Văn Miếu Quốc Tử Giám được trùng tu lớn, dựng lại khu Thái học như xưa đúng vào dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội để lưu giữ và bảo tồn một trường đại học quốc gia đầu tiên của đất nước.
Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong 12 di tích lớn của đất nước đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa đợt đầu vào năm 1962./.
Tags:
Hà Nội