VnTim™ ^-^
Anh Hồ Minh Hiệp và con trai đang lau chùi giấy chứng nhận xác lập kỷ lục của Vietbooks. |
Đó chính là Hồ Minh Hiệp, người đang giữ kỷ lục "người có bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới nhiều nhất Việt Nam".
Bước vào căn nhà nằm trên đường Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP HCM), khách tới chơi sẽ hoa cả mắt trước một "núi tiền" mà Hiệp đã dày công sưu tập.
"Đây là tờ 2 USD ra đời từ năm 1864, khi nổ ra cuộc chiến giữa hai miền Nam - Bắc Mỹ, đây là tờ 5 USD phát hành ngày 17/2/1864, có ghi số series bằng chữ viết tay của cố Tổng thống Mỹ Lincoln, còn đây là tờ 2 USD ra đời năm 1976, được xem là khá hiếm, phát hành để kỷ niệm 200 năm ngày thành lập nước Mỹ...", anh Hiệp vừa chỉ cho xem từng tờ tiền vừa nói rõ về nguồn gốc, đặc điểm của chúng.
Trong căn nhà khá tươm tất, các tờ tiền cổ các loại được lồng vào các khung hình hoặc sắp xếp trong các hộp đựng và trưng bày trông hết sức đẹp mắt.
Ngay tại tầng trệt, 4-5 khung hình, mỗi khung có 5-7 tờ tiền cổ các loại được treo trên tường. Song cho đến khi bước lên tầng 1 của căn nhà anh Hiệp, mới thực sự thấy "khủng hoảng" trước một bộ sưu tập tiền đồ sộ. Tiền đủ các loại từ các châu lục trên thế giới đều "tề tựu" đầy đủ trong nhà anh. Từ tiền của những quốc gia quen thuộc như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn... cho đến những quốc gia mà khi nhắc đến nhiều người chưa chắc biết nó nằm ở đâu trên bản đồ thế giới như: Suriname, Guinea-Bissau... Thậm chí anh còn có những loại tiền của các quốc gia, các vùng lãnh thổ, thuộc địa mà hiện không còn tồn tại. Đáng chú ý là trong số các loại tiền trên, có những series tiền còn nguyên, chưa được cắt ra.
Chẳng hạn như series 32 tờ loại 2 USD mà anh phải sang tận Mỹ để mua. Series này được phát hành năm 2003, nằm ghép liền với nhau thành một khối vuông vức trông rất ngộ nghĩnh.
Anh khoe: "Đến nay, tôi đã sưu tầm được các loại tiền giấy của 222 nước trên thế giới. Chỉ còn thiếu mỗi tiền của... Palestine". Nhưng trên thực tế thì nhà nước Palestine chưa được thành lập và hiện nay đồng tiền mà người Palestine đang sử dụng là tờ New Sheqalime của người Israel.
Sẽ là thiếu sót nếu như không đề cập đến bộ sưu tập tiền kim loại của anh Hiệp. Những đồng vàng, bạc, đồng của các quốc gia Hà Lan, Italy, Anh, Pháp, Campuchia... của cuối thế kỷ 19 vẫn được anh lưu giữ. Ấn tượng về các đồng tiền này để lại là sự tinh xảo đến không ngờ về nghệ thuật in đúc. Chúng có đủ hình dáng từ hình tròn, hình vuông đến những đồng tiền cái trông như một quả trứng... Riêng về các đồng tiền kim loại, tính "sơ sơ", anh cũng có đến các loại tiền của 218 nước trên thế giới.
Bộ sưu tập Minh Hiệp thể hiện sự dày công sưu tầm tiền Việt. Những đồng tiền ngả màu đủ sức tái hiện từng giai đoạn lịch sử cũng như nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Bộ sưu tập tiền Việt in trên giấy gần 200 tờ các loại. Đầu tiên là loại tiền in hình Vua Thành Thái (gọi là tiền Thành Thái) được phát hành trong các năm 1901, 1917 và 1920. Một loại tiền khác được phát hành sau đó ít lâu (năm 1923) là tiền “con công”, mệnh giá 5 đồng; tiền “giấy oảnh”, mệnh giá 20 đồng và tiền giấy “bộ lư”, mệnh giá 100 đồng. Loại tiền này được người đời sau nhắc đến nhiều vì nghe đâu nó gắn liền với giai thoại Công tử Bạc Liêu “đốt để... nấu đậu” trong một cuộc "so giàu" với Bạch Công tử trước mặt giai nhân.
Trong 3 loại tiền trên, tiền giấy "bộ lư" có kích thước khá lớn, 22x15 cm. Tờ tiền này từng là niềm mơ ước đối với giới bình dân trước đây. Cũng cần phải nhắc đến các loại tiền "lạ" của chính quyền Đông Dương như tờ Long - Châu - Sa (phát hành năm 1948), áp dụng cho các giao dịch mua bán ở 3 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, hay tờ Long - Châu - Tiền áp dụng cho 3 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Tiền Giang... Rồi tờ "trâu xanh", "con báo" phát hành giai đoạn 1945. Hai đồng tiền này hiện có giá khá cao đối với giới sưu tầm, khoảng 60 USD/tờ. Ngoài ra còn có một số loại tiền gọi là tiền "đắp nền" của chính quyền Đông Dương có đóng dấu "lưu hành nội tỉnh" cho từng tỉnh sử dụng.
Tuy nhiên theo anh Hiệp, trong bộ sưu tập của mình, anh còn lưu trữ những tờ tiền có thể gọi là "hàng độc". Đó là loại "tiền" dùng cho bộ đội lưu hành để đổi lương thực. Loại "tiền" này gọi là "phiếu bách hóa Trường Sơn". Tờ phiếu này phát hành năm 1962, có diện tích khoảng 4x8 cm, mặt trước có in hình Bác Hồ còn mặt sau là giấy trơn. Tuy nhiên, một thời gian sau, loại tiền này bị địch phát hiện nên chính quyền ta phát hành một loại phiếu khác thay thế. Loại phiếu này phát hành năm 1966, có cùng tên gọi nhưng trên phiếu không ghi một chữ nào mà chỉ có in hình Bác Hồ và ghi mệnh giá (có bốn loại là 1, 2, 5 và 10 đồng).
Trước đây, anh Hiệp có cả chục tờ phiếu này nhưng hiện anh chỉ lưu giữ đúng một tờ. Tờ "phiếu bách hóa Trường Sơn" này đặc biệt ở chỗ phần giấy trơn của nó có bút tích của một người bộ đội có tên là Hồng Tư ký vào mặt sau. Độc đáo hơn nữa là anh Hiệp còn có những tờ giấy bạc chưa được... phát hành. Cụ thể vào năm 1975, chính quyền Sài Gòn chuẩn bị phát hành loại tiền này thì miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Loại tiền này có 2 loại mệnh giá 5.000 đồng và 10.000 đồng. Theo anh Hiệp, đây là một trong những tờ tiền rất hiếm, anh Hiệp tìm được nó ở Singapore. Đáng chú ý là trong số "hàng độc", anh Hiệp có đồng bạc Đông Dương bằng kim loại (còn gọi là đồng Nữ hoàng hoa xòe) phát hành vào các năm 1886, 1887 và 1927 có kích thước lớn nhất trong các loại tiền kim loại lưu hành ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay.
Nếu chỉ nhìn bộ sưu tập tiền đồ sộ của Minh Hiệp, ít người nghĩ rằng chủ nhân của nó chỉ mới 33 tuổi. Anh kể: "Tôi công tác tại cửa hàng miễn thuế của Công ty dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco, năm 1996, tình cờ tôi được một du khách người Nam Phi tặng cho tờ tiền của Nam Phi. Nét đẹp độc đáo của tờ tiền đó đã thu hút tôi mạnh mẽ và trong đầu tôi bỗng nảy sinh một ý tưởng là sưu tầm tiền của các nước trên thế giới...".
Nhờ lợi thế thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài nên chẳng mấy chốc bộ sưu tập tiền của các nước trên thế giới của anh ngày càng phong phú. Song để sở hữu được những tờ tiền "lạ", anh phải lên mạng tìm kiếm và rao mua. Tuy nhiên, không phải lúc nào rao mua cũng có người bán, có loại tiền chẳng hạn như tờ "trâu xanh" của Việt Nam, anh phải đặt mua đến 2 năm mới có được. Song đó chưa phải là khó khăn duy nhất. Để mua những tờ tiền "độc nhất vô nhị", vợ chồng anh phải lặn lội sang tận Singapore, Mỹ để mua...
Những cực nhọc của vợ chồng anh cuối cùng cũng đã được đền đáp xứng đáng. Ngày 14/8/2005, anh được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) xác nhận kỷ lục "Người có bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới nhiều nhất Việt Nam".
Tags:
Bản Tin VN Tim™