VnTim™ ^-^ Hồ Tây với diện tích hơn 500ha và có chu vi khoảng 15km, được biết đến là một hồ rộng nhất trong nội thành Hà Nội. Theo khảo sát của các nhà địa lý học thì Hồ Tây cũng như Hồ Gươm đều là một đoạn sông Hồng cũ còn sót lại khi nó đổi dòng. Hồ Tây còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Đầm Xác Cáo, hồ Dâm Đàm (hồ Mù Sương), hồ Kim Ngưu (hồ Trâu Vàng) và Tây Hồ.
Hồ Tây (bên phải). Ảnh: vietnamtourism.com |
Có lẽ cái tên Đầm Xác Cáo và hồ Kim Ngưu gắn liền với những huyền thoại mang tính hoang đường được dùng làm tên gọi cho Hồ Tây.
Từ thời xa xưa, ở nơi đây có một quả núi đá, trong núi có một con hồ tinh chín đuôi làm hại nhân dân. Thượng đế cả giận, sai Long Vương cùng đội quân thủy tộc theo dòng nước tràn vào, phá tan quả núi, giết chết hồ tinh. Sau đó hang núi đá đó thụt xuống tạo thành một cái đầm, xác cáo nổi lên và người dân đã gọi đầm đó là Đầm Xác Cáo.
Cũng theo một huyền thoại khác, cái tên hồ Kim Ngưu (hồ Trâu Vàng) được bắt nguồn từ thời Lý. Vào triều Lý, ở nước ta có vị cao tăng Nguyễn Minh Không pháp thuật rất giỏi và có thể chữa được nhiều bệnh lạ. Nghe tài nghệ của ông, vua Tống cho vời ông sang Trung Quốc để chữa bệnh cho hoàng tử. Sau khi chữa khỏi bệnh cho hoàng tử, vua Tống ban thưởng cho phép ông vào kho muốn lấy gì thì lấy và lấy bao nhiêu cũng được. Nguyễn Minh Không hóa phép thu tất cả đồng đen trong kho vào một cái bao, xách ra bờ biển, thả nón xuống làm thuyền chở về nước. Ông dâng toàn bộ số đồng đen đó cho vua Lý, nhà vua bèn sai đúc thành một quả chuông. Khi chuông đúc xong, đánh thử mấy tiếng thì từ bên Trung Quốc có một con trâu vàng nghe thấy tiếng chuông chạy sang nước ta. Đến khu rừng phía Bắc thành Thăng Long thì tiếng chuông im bặt, trâu vàng lồng lộn đi tìm, dẫm nát cả khu rừng, đất thụt xuống thành hồ. Nhà vua sai ném quả chuông xuống hồ để trâu khỏi lồng lên. Từ đó trâu vẫn nằm yên dưới đáy hồ và hồ có tên là hồ Kim Ngưu. Tục truyền rằng hễ người nào sinh được mười con trai thì có thể đến mặt hồ gọi trâu vàng lên mà dắt về được. Có lần đã có người có đủ mười con đến gọi trâu về, dắt trâu vàng lên đến mặt nước thì bỗng đứt thừng, trâu lại lặn xuống nước mất. Thì ra người ấy chỉ có chín con đẻ, còn một là con nuôi. Và chuyện trâu vàng vẫn là một đề tài ngâm vịnh, làm thơ cho nhiều thi nhân, mặc khách.
Cũng trong sử cũ chép lại, dưới thời Lý, Hồ Tây còn có tên là hồ Dâm Đàm (hồ Mù Sương) bởi mặt hồ quanh năm đều có sương mù bốc lên, rồi tạo thành những đám mưa nhỏ rơi xuống. Các đời vua Lý, Trần thường lập hành cung ở trên bờ phía Nam hồ mà tiêu biểu nhất là hành cung đặt ở chùa Trấn Quốc thời Lý và nó được gọi là hành cung Dâm Đàm.
Vào năm 1573, vì tránh tên húy của vua Lê Thế Tông là Duy Đàm nên người ta đổi gọi là Tây Hồ (hồ nằm phía tây thành Thăng Long). Dưới thời Hậu Lê, vì kiêng tên tước Tây vương của chúa Trịnh Tạc, năm 1675 hồ được đổi thành Đoái Hồ (một tên trong bát quái của Kinh Dịch, Đoái thuộc về phía Tây) nhưng hết thời Trịnh Tạc, nhân dân lại gọi tên hồ như cũ.
Đến thời Tây Sơn có một câu chuyện khá lý thú và có nhiều ý nghĩa về việc xin đổi tên hồ. Khi vua Quang Trung đã đánh đuổi xong quân Mãn Thanh, thống nhất đất nước có lưu lại thời gian ở Thăng Long. Một hôm, vua ngự chơi thuyền Hồ Tây; trong số các quần thần đi theo có một văn thần họ Đỗ là tiến sĩ cũ của nhà Lê, ý chừng muốn lấy lòng nhà vua, quỳ xuống tâu xin đổi tên hồ. Nhà vua lấy làm lạ hỏi:
- Tên của hồ có từ xưa, làm sao lại phải đổi?
Viên quan ấy tâu:
- Tâu bệ hạ, hạ thần thấy tên hồ trùng với tên húy của quý hương (tức là làng quê của vua)
Vua Quang Trung cười nói rằng:
- Nhà ngươi lại muốn trẫm làm một điều vô nghĩa đối với nhân dân Bắc Hà sao? Tây Hồ là một cảnh đẹp của Thăng Long, người Thăng Long từ xưa vẫn yêu quý Tây Hồ, lẽ nào ngày nay lại vì trẫm mà đổi tên gọi của hồ được? Vả chăng trẫm từ Tây Sơn xa xôi, ngày nay lại được đến Tây Hồ xinh đẹp này, mượn Tây Hồ làm nơi gặp gỡ các bạn Bắc Hà chẳng hay lắm sao? Khách Tây Sơn, cảnh Tây Hồ, cũng là duyên kỳ ngộ, cùng nhau còn nhiều gắn bó hẹn hò, cảnh chẳng phụ lòng người, làm sao người lại phụ cảnh? Nói xong vua và quần thần đều cười, viên quan kia có vẻ ngượng ngùng vì đã nịnh vua không đúng chỗ. Ngày nay, mặc dù có nhiều tên gọi gắn liền với những sự tích khác nhau về nguồn gốc của nó nhưng Hồ Tây vẫn luôn được người Hà Nội yêu mến. Những con đường quanh hồ, những danh thắng nổi tiếng bên hồ như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh… đã trở thành một địa điểm tham quan lý tưởng đối với mỗi du khách khi đến Thủ đô Hà Nội.
Gần đây thành phố đã cho làm đường dạo quanh Hồ Tây ( dài khoảng 15 km) để thu hút khách du lịch. Công trình này dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tags:
Hà Nội