Trong quá trình tìm kiếm thông tin trên Internet, có lẽ bạn không thể không biết đến trang web Wikipedia, một bách khoa toàn thư mở được xem là lớn nhất hiện nay. Website này cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích được đóng góp từ các thành viên trên khắp thế giới. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn một số mẹo nhỏ để có thể sử dụng quyển bách khoa toàn thư này hiệu quả hơn.
1. Tìm thông tin về các phiên bản và các tác giả của bài viết.
Như đã nói ở trên, đây là một bách khoa toàn thư mở. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không phải tất cả mọi thông tin ở đây đều hoàn toàn chính xác. Các thành viên có thể tự do chỉnh sửa nội dung của bài viết. Tuy nhiên, sau mỗi lần sửa đổi, Wikipedia đều lưu lại và cho phép bạn xem lại các phiên bản trước đó của mỗi bài viết cũng như những thông tin về các tác giả đã tham gia vào bài viết đó. Để xem những thông tin này, bạn nhấp vàoHistory. Tại đây, bạn sẽ có thể xem những thông tin về các bài viết khác của tác giả (contribs) cũng như liên hệ với tác giả của bài viết đó (Talk).
2. Loại bỏ những đường link khi xem Wikipedia:
Nhằm tạo thuận lợi cho người dùng trong việc xem các thông tin có liên quan, mỗi bài viết đều có rất nhiều đường link liên kết đến các chủ đề khác. Tuy nhiên, đôi khi điều này rất gây rối mắt. Để loại bỏ chúng, bạn chỉ việc nhấp vào Printable Version trong hộp Toolbox bên trái.
3. Theo dõi những bản cập nhật của bài viết qua RSS
Nếu bạn muốn sử dụng trình đọc tin RSS của mình để xem những cập nhật mới nhất của một bài viết mà bạn quan tâm, bạn cũng nhấp vào History, và copy đường link RSS trong hộp toolbox bên trái để dán vào chương trình đọc tin RSS của bạn
4. Đọc Wikipedia trên điện thoại di động
Nếu dùng điện thoại để duyệt Wikipedia, thay vì truy cập vào trang chủ của Wikipedia, bạn có thể sử dụng phiên bản được thiết kế riêng cho thiết bị di động tại đây
5.Tìm những bài viết về một địa điểm trên Google Maps:
Nếu muốn tìm những bài viết có liên quan đến một địa điểm nào đó mà bạn quan tâm, bạn hãy dùng Google Maps để tìm đến địa điểm đó, sau đó nhấp More, đánh dấu chọn Wikipedia. Nếu có những bài viết trên Wikipedia liên quan đến địa danh mà bạn chọn, bạn có thể thấy biểu tượng W của Wikipedia. Bạn hãy nhấp vào biểu tượng đó để xem bài viết ngay trên Google Maps hay xem bài viết đầy đủ trên Wikipedia.
6.Download Wikipedia về máy tính.
Nếu bạn muốn download quyển bách khoa toàn thư khổng lồ này về máy tính để xem ofline, bạn có thể truy cập vào đây để download phiên bản mới nhất. Các tập tin có định dạng nén .7z, và dung lượng thường trên 1GB.
7. Lấy đường đường link cố định cho bài viết.
Không giống như thông tin trên các Website khác, một bài viết trên Wikipedia liên tục được cập nhật. Vì vậy, nếu bạn post đường link của một bài viết nào đó trên Blog, có thể người xem sẽ có những thông tin không giống với những gì bạn xem vì có thể bài viết đó đã bị sửa đổi. Để tránh tình trạng này, Wikipedia cung cấp cho bạn đường link cố định đến bài viết mà bạn đang xem (dòng Permanent Link trong phần Toolbox bên trái). Bạn có thể copy link này để post lên blog hay gửi cho người khác để đảm bảo thông tin không bị thay đổi.