Có 1.001 lý do để viết blog và rồi nghiện blog. Nếu để bản thân bị cuốn theo những trang blog bất tận, blogger sẽ trở thành “nô lệ” của blog. Tại sao người ta lại viết blog, một blogger đã từng chinh chiến với blog trong một thời gian dài kết luận: “Khẳng định cái tôi trên mạng, lên blog để xả, để than phiền và còn để khoe tài nữa”. Đây không phải là câu trả lời chính xác vì mỗi người đều có một lý do riêng để viết blog. Vì sao ta viết blog? Thật ra, nhiều blogger cũng từng trăn trở với câu hỏi vì sao người ta viết blog. Điều đó thể hiện qua những entry từ đơn giản đến cầu kỳ, triết lý hay chân thành nhằm tìm ra câu trả lời. Có đọc những câu tự vấn của các blogger mới thấy thế giới blog của mỗi người phong phú biết bao nhiêu. Một Blogger tâm sự: “Có những lúc chán ghét cuộc sống nhàm chán, ghét cảm giác đua chen trong công việc, thấy cô đơn, buồn chuyện gia đình, tôi lại tìm đến blog…”. Blog là nơi người ta “xả” mọi thứ và sau đó cảm thấy dễ chịu hơn. “Có những lúc, lòng thật buồn, tình cờ đọc được lời ai đó, lắng nghe tâm trạng và nghĩ suy của họ, tôi thấy mình bình tâm trở lại”. “Tôi viết blog đơn giản bởi vì được chia sẻ một nửa niềm vui, hay một nửa nỗi buồn là niềm hạnh phúc lớn lao”
Nhưng không phải lúc nào blog cũng dành cho những người buồn chán cuộc sống. Còn có rất nhiều lý do khác để người ta viết blog như gặp lại những người bạn cũ, xem hiện nay bạn bè mình đang làm gì và nghĩ gì, tìm thêm bạn mới, muốn gặp những người thú vị, chia sẻ chút cảm xúc, chút kinh nghiệm, hay chỉ giới thiệu vài quyển sách hay hoặc vài ý tưởng… Những người có gia đình và cuộc sống ổn định dùng blog để bày tỏ tình cảm với con cái và những người thân yêu.Từ viết blog đến nghiện blog Viết blog lâu ngày sẽ mê blog, rồi nghiện blog lúc nào không hay. Triệu chứng dễ thấy ở người nghiện blog là ngày nào không lên blog thì không chịu được, có thời gian rảnh một chút thì vào blog ngay. Blogger Rose thú nhận: “Khi lên blog, tôi không thể dứt ra được, cứ theo đuổi các link từ blog này đến blog khác và đọc không ngừng. Tôi không còn muốn rời màn hình nữa”. Cách đo mức độ nghiện blog tốt nhất là tự hỏi một ngày blogger đã dành bao nhiêu thời gian cho blog. Câu hỏi này cũng sẽ có 1.001 câu trả lời vì quỹ thời gian cho blog của mỗi người không giống nhau. Có người chỉ cần rảnh một chút là lao ngay vào blog. Người không có gì làm, suốt ngày lang thang trên mạng thì mở blog liên tục, cứ chốc lát lại vào coi thử xem lượng view page có tăng không hay có ai ghé qua nói gì không. Thời gian dành cho blog đã không giống nhau, cách thức chơi blog càng khác nhau hơn. Lên blog riêng chưa đủ, các blogger còn lang thang qua những blog của người quen và để lại lời nhắn. Có blogger thường xuyên lên blog mà không mấy khi viết, chỉ post hình, tạo dáng cho blog, cập nhật tin tức… Có người chẳng bao giờ viết blog nhưng suốt ngày lại đi lang thang đọc bài của người này người kia, tốn biết bao nhiêu công sức, thời gian. Tác hại khôn lường Dù blog có giúp mọi người “quẳng gánh lo đi mà vui sống” nhưng nghiện blog quá mức không phải là điều tốt. Mỗi ngày đều vào blog và mỗi lần vào đều không dứt ra được, người nghiện blog cứ chạy theo những đường link bất tận đến quên ăn quên ngủ và quên cả thời gian. Lợi thì chưa thấy bao nhiêu nhưng trước mắt đã thấy sức khỏe suy sụp, ảnh hưởng không tốt đến việc học, việc làm. Gần đây, các phương tiện truyền thông đã lên án một trường hợp nghiện blog dẫn đến đột quỵ ở Mỹ hay một số nước châu Á đã phải mở những lớp cai nghiện Internet cho giới trẻ vì lý do sức khỏe. Ngoài ra, giới trẻ hiện nay đang có xu hướng liên lạc, trao đổi qua blog, qua mạng nhưng lại ít gặp nhau ngoài đời dù chỗ ở chỉ cách nhau mấy cây số. Có thể thấy điều này qua tâm sự trên blog của các bạn trẻ. Một blogger giải thích rằng nói chuyện qua blog sẽ hiểu người bạn của mình hơn. Tuy nhiên, tình cảm không thể sâu nặng và mật thiết nếu “xa mặt cách lòng”. Dù nhanh chóng tiện lợi nhưng nếu lạm dụng thế giới ảo quá mức, giới trẻ sẽ dần mất đi nhiều điều tốt đẹp trong thế giới thực. Vì thế các blogger thỉnh thoảng cũng nên tự hỏi một ngày mình tốn bao nhiêu thời gian cho blog để tự điều chỉnh cho hợp lý. Nguồn Sưu Tầm |
Tags:
Start Blog