Một tên miền tốt giống như một viên gạch nền móng của một ngôi nhà, nó là một trong những yếu tố làm nên thành công của trang web hay blog. Nhưng làm sao để xác định được tên miền tốt? Dưới đây là những đặc tính để giúp bạn lựa chọn được một tên miền tốt:
- Ngắn gọn
- Dễ nhớ
- Dễ đánh vần
- Có đuôi .com
- Mô tả được nội dung trang web
- hoặc mang thương hiệu của bạn
- Không có gạch nối hay các con số
Các tên miền tốt đều là những tên miền ngắn. Một minh chứng là tất cả những tên miền .com có 3 và 4 ký tự đã được đăng ký và những tên miền với 5 ký tự cũng sắp hết.
Xét theo số ký tự, hãy cố gắng chọn những tên miền ngắn nhất có thể và làm sao để chúng dưới 10 ký tự, không nên vượt quá 20 ký tự.
Xét theo số từ, những tên miền 1 hoặc hai từ là tốt, 3 từ là trung bình và lớn hơn là “không ổn”.
Ví dụ: Quotes.com là một tên miền tuyệt vời trị giá hàng triệu đô la.
ProQuotes.com là một tên miền tốt với 2 từ và trị giá hàng ngàn đô la.
ProQuotesNow.com là một tên miền cỡ bình thường và có thể sử dụng được.
YourProQuotesNow.com là một tên miền kém.
Nhiều người sử dụng Internet không sử dụng các trình bookmark. Họ chỉ nhớ những tên miền của những trang web mà họ thích và gõ chúng vào trình duyệt mỗi khi họ vào những trang đó. Nếu tên miền của bạn khó nhớ, thì rất khó khăn để cho họ có thể quay lại trang web của bạn lần sau.
Ví dụ:Brcwr.com là một tên miền ngắn nhưng không dễ nhớ chút nào, nên sẽ là một ý tưởng tồi nếu sử dụng nó cho một trang web (trừ khi các ký tự gợi nhớ đến một điều gì đó).
Một trong những sai lầm khi đăng ký tên miền là sử dụng sai cách đánh vần. Và do đó khi người sử dụng truy cập vào trang của bạn lại gõ sang một trang khác.
Hãy tránh sử dụng những từ thuộc ngôn ngữ không phổ biến, những từ khó phát âm, sự kết hợp không đúng cách của các từ và bất cứ điều gì khác làm một người khác đánh vần sai tên miền của bạn.
Ví dụ: CappuccinoBar.com có thể gây khó hiểu cho những người nói tiếng Anh. Cappuccino là một từ tiếng Ý và ít người biết là nó có hai chữ p và hai chữ c.
Các tổ chức có thể thích tên miền .org hơn và các công ty muốn hướng vào một quốc gia cụ thể nào đó có thể muốn đăng ký một tên miền thuộc quốc gia đó (chẳng hạn .com.vn, .co.uk, .cn…). Trừ những trường hợp này ra thì tên miền .com là thích hợp nhất. Đây có lẽ là đuôi tên miền phổ biến nhất trên thế giới và đã ăn sâu vào ý nghĩ mọi người.
Các khách viếng thăm trang web của bạn thông qua các máy tìm kiếm hay các liên kết hầu hết để ý đến tên trang web chứ không phải toàn bộ địa chỉ trang web. Lần sau, nếu họ muốn vào trang của bạn, họ chỉ nhớ tên và thông thường họ sẽ gõ tên miền .com. Nếu tên miền của bạn không phải tên miền .com mà là .net hay .org hay có đuôi khác thì bạn bị mất khách.
Ví dụ: Darren Rowse lần đầu tạo blog với tên miền Problogger.net khi mà Problogger.com đã có người khác đăng ký. Nhưng do blog có thương hiệu lớn nên một số người chỉ nhớ đến Problogger.com và truy cập vào trang này. Sau vài năm, Darren quyết định mua tên miền Problogger.com với giá 5000 đô la.
Nhiều người sử dụng Internet đến với trang của bạn thông qua các máy tìm kiếm và các liên kết trực tiếp. Chính vì thế họ sẽ ghé thăm nếu họ thấy nó đáp ứng đúng cái họ cần.
Tên miền của bạn mô tả được nội dung của trang web sẽ giúp cho người khác có được cái hình dung đầu tiên về trang của bạn trước khi họ ghé thăm. Nếu các từ khóa trong tên miền của bạn có liên quan đến nội dung, nó cũng giúp cho việc xếp hạng chỉ số trang web của bạn bởi các cỗ máy tìm kiếm.
Ví dụ: Bạn sẽ biết được nội dung của trang TelevisionGuides.com là về cái gì thậm chí cả trước khi bạn vào trang đó. Một ví dụ khác, chẳng hạn bạn đang muốn tìm kiếm nhận xét về một bộ phim. Bạn tìm kiếm bằng Google. Kết quả đầu tiên là từ trang MikesLair.com, kết quả thứ hai là từ trang MoviesCentral.com. Bạn sẽ chọn trang nào?
Một tên miền có thương hiệu thường dễ phát âm. Nó là một sự kết hợp thú vị giữa các ký tự hay đơn giản chỉ là bắt mắt. Có thể nó không mô tả được nội dung trang web nhưng nó vẫn có được hiệu quả tương xứng.
Tên miền có thương hiệu sẽ khiến cho người đọc kết hợp tên với nội dung trang web. (Lưu ý là một tên miền có thương hiệu cũng đồng thời mô tả được nội dung trang web, nhưng thông thường thì điều đó hiếm khi xảy ra).
Ví dụ: Kotaku.com là một trong những blog về game phổ biến nhất trên Internet. Tên miền không dính dáng gì đến game, nhưng thương hiệu của nó thì được nhiều game thủ biết đến.
Tên miền có dấu gạch nối (dấu -) hay các con số có cùng vấn đề với các tên miền không có đuôi .com hay tên miền khó đánh vần.
Xem xét với trường hợp Tech-World.com. Những tên gắn liên với tên miền đó là “tech” và “world”. Nhiều người sẽ quên đi dầu gạch nối và chỉ nhớ đến TechWorld.com.
Với tên miền có các chữ số sẽ gây nhầm lẫn khi đọc. Chẳng hạn bạn đăng ký tên miền Tech5.com thì người khác có thể nhầm với TechFive.com do phát âm.
Ví dụ: Coolest-Gadgets.com là một blog rất phổ biến về gadget với trên 70,000 người đọc qua RSS. Nhiều người đã nhầm lẫn và quên mất dấu gạch nối khi truy cập vào blog đó. Vì thế chủ của blog đã phải mua tên miền CoolestGadgets.com để tránh điều đó.
Tổng kết:
Bạn đừng thất vọng nếu tên miền hiện tại của bạn không có đủ hoặc một trong những đặc tính trên. Chúng chỉ là những yếu tố bạn có thể quan tâm khi cân nhắc tên miền của một trang web hay blog.
Có rất nhiều những trang web hay blog phổ biến mà tên miền không có được một hoặc vài đặc tính ở trên. Chỉ cần đảm bảo tên miền của bạn có được một số những đặc tính đó đã là ổn rồi.