Ở thế kỷ XX, Le Coorbusier đã sáng tạo ra Modulor, một hệ chuẩn tỷ lệ rất độc đáo xuất phát từ những thông số cơ bản của kích thước con người. Mục đích của Modulor là trên cơ sở một hệ thống kích thước phong phú tuỳ trường hợp có thể chọn ra những quy cách và tỷ lệ cho kiến trúc.

Về mặt từ ngữ, Modulor là tên gọi hệ thống tỷ lệ do Le Coorbusier và các đồng nghiệp của ông sáng tạo ra trong khoảng thời gian 1942-1948 nhằm đưa vào kiến trúc những hệ thống đo lường phù hợp với kích thước con người tạo nên sự phù hợp với sự đa dạng không cùng cũng như những giá trị cơ bản của cuộc sống con người trong không gian.

Hệ thống Modulor được phản ánh vào hai bậc thang tỷ lệ

Hai bậc thang tỷ lệ này (hay là hai hệ chuẩn) xuất phát từ một số code cao ở kích thước con người

Le Coorbusier đã lấy 4 điểm cao sau đây làm chuẩn: cốt bàn tay người khi hạ thấp (cao 86 cm), cốt bán thân của người (cao 113 cm), cốt đỉnh đầu người (cao 183 cm), cốt bàn tay khi giơ cao khỏi đầu (cao 226 cm). Ba con số này có tính chất như sau:

113 cm = 70cm + 43 cm

113 cm + 70 cm = 183 cm

113 cm + 70 cm + 43 cm = 226 cm

Chính hai bậc thang tỷ lệ - hệ chuẩn đỏ và hệ chuẩn xanh - được dẫn xuất từ những thông số trên ra.

Ba con số 113, 183, 226 xác định khoảng không bị chiếm bởi kích thước con người.

Hệ chuẩn đỏ là một chuỗi số có trị số … 183, 113, 70, 43, 27, 17 … và hệ chuẩn xanh có các trị số … 226, 140, 86, 53, 33, 20, … Hai hệ chuẩn này có tính quy luật cao, biến thiên theo tỷ lệ vàng, và liên hệ với nhau theo kiểu cung bậc

Từ hệ chuẩn đỏ và xanh là những chuỗi số vàng Phibonatxi đó có thể tiến thêm một bước thiết lập nên Modulor (hệ chuẩn modun). Modulor là một tập hợp những thông số phù hợp với kích thước cơ bản của con người biểu hiện dưới dạng hình học những tư thế của con người cao dần từ ngồi đến đứng, đứng giơ tay từ đó có thể cho thấy kích thước các thiết bị cần thiết liên quan đến kiến trúc.

Tác giả của hệ thống tỷ lệ này giải thích: “ Modulor không đem lại tài năng, lại càng không đem lại thiên tài. Nó không giúp cái thô tục trở thành cái tinh tế, nó chỉ cống hiến sự thoải mái tiện lợi cho việc sử dụng những số đo chắc chắn. Trong kho tàng vô tận của hệ thống Modulor chỉ còn việc lựa chọn cho mình những tỷ lệ thích hợp nhất.

Trong công trình kiến trúc sử dụng hệ chuẩn “Modulor” có thể thoả mãn được những điều cần thiết sau đây

1) Kiến trúc (từ tổng thể đến chi tiết) đều có thể kết hợp mật thiết với tầm vóc con người

2) Hình thức kiến trúc hoàn toàn có khả năng tạo nên những tương quan tỷ lệ đa dạng, biến hoá và hài hoà, thống nhất.

3) Thích hợp với công nghiệp hoá xây dựng, thi công lắp ghép cùng với việc dùng những trị số cơ bản tối thiểu mà vẫn đạt được khả năng đa dạng tối đa.

Nhìn chung, những lý luận về số đo, về modul trong thực tế của nhiều thời đại đã khái quát, bao trùm được giữa những trị số của tỷ lệ, kỹ thuật xây dựng và hình thức kiến trúc, đem lại cho chúng sự thống nhất, hài hoà.

Modulor của Le Coorbusier đã được áp dụng vào đơn vị nhà ở lớn ở Macxay của ông. Chiều cao trong và ngoài nhà, kích thước các thành phần kiến trúc và đồ dùng trang thiết bị trong nhà ở tác phẩm này xuất phát từ hệ chuẩn Modulor cho nên số lượng kích thước sử dụng cho toàn công trình này không vượt quá con số 15.

Về tỷ lệ, cũng có thể phân loại: tỷ lệ số đo, tỷ lệ tương đồng, và tỷ lệ lý tính. Tỷ lệ số đo và tỷ lệ tương đồng dưa trên sự phân tích các hình dáng, loại tỷ lệ lý tính dựa vào sự cảm nhận của từng dân tộc, từng địa phương, tâm lý của các khu vực, các vùng miền và vật liệu xây dựng địa phương.